Những Lợi Ích “Bất Ngờ” Từ Việc Uống Trà

Chẳng biết tự bao giờ, chén trà hiện hữu trong đời sống con người và song hành với cha ông ta qua bao đổi thay của thời cuộc. Thức uống đơn sơ, giản dị ấy lại ẩn chứa nhiều ý nghĩa về mặt văn hóa, nhân sinh, thậm chí có những lợi ích “tuyệt diệu” về sức khỏe mà ít ai ngờ đến.

Những lợi ích của trà với sức khỏe

Đối với nhiều người, uống trà là một thú vui tao nhã và không thể thiếu mỗi ngày nhưng có thể họ không biết rằng trà chứa nhiều chất bổ ích cho cơ thể. Nó phần nào giúp chống lại căn bệnh ung thư, các bệnh tim mạch, cao huyết áp, thậm chí là tốt cho não… Thế giới không chỉ có một loại mà rất nhiều loại trà và chúng đều tốt đối với sức khỏe của chúng ta.

Uống trà có lợi cho cơ thể con người

Uống trà hàng ngày có nhiều lợi ích cho sức khỏe như: tốt cho tiêu hóa, giúp giảm hấp thu chất béo, giảm nguy cơ ung thư da và nhiều lợi ích khác nữa,… Có lẽ vì vậy mà lâu nay trà luôn được xem như một loại “thần dược” đối với sức khỏe, được nhiều người yêu thích.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ Sinh học và thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội, cho biết, cách đây gần 2.000 năm, trà đã được các thầy thuốc Trung Quốc sử dụng như một vị thuốc giúp con người khỏe và trẻ hơn. Các nghiên cứu y khoa hiện đại cũng phát hiện ngày càng nhiều giá trị dược dụng của trà. Việc sử dụng hằng ngày loại đồ uống này có thể giúp phòng và chữa nhiều bệnh tật.

Do chứa các chất chống ôxy hóa nên trà giúp làm chậm đi sự già cỗi của tế bào. Chất gallotanin trong trà ngăn chặn sự thoái hóa của tế bào thần kinh và kích thích quá trình phục hồi của chúng. Các flavonoide hạn chế sự lắng đọng cholesterol và xơ hóa mạch máu, làm giảm nguy cơ tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và tỷ lệ tử vong do các vấn đề tim mạch. “Trà cũng có tác dụng kích thích thần kinh trung ương, giúp tinh thần hưng phấn, kích thích hô hấp và làm tim đập nhanh hơn” – PGS. Thịnh chia sẻ.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, trà có khả năng phòng chống ung thư , ngăn chặn sự tổn thương ADN. Việc uống trà thường xuyên giúp giảm 50% nguy cơ ung thư dạ dày, 40% nguy cơ ung thư da (tỷ lệ này có thể lên đến 70% nếu uống trà với chanh). Thứ đồ uống này cũng giúp ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh parkinson và hạn chế sự loãng xương ở người già.

Trà cũng được biết đến như một loại thuốc giải độc công hiệu. Theo Lương y Vũ Quốc Trung, trong Đông y, nó được dùng trong một số trường hợp nhiễm độc kiềm và thảo dược. Những người làm việc với tia phóng xạ vẫn xem thói quen uống trà hằng ngày là giải pháp tự bảo vệ mình trước các tia bức xạ độc hại. Các nhà khoa học cho biết, hoạt chất axit tanic trong trà còn có tác dụng thu giữ, làm lắng đọng các gốc kim loại tự do, có thể dùng cho những người bị nhiễm độc kim loại nặng, kể cả thủy ngân. Tình trạng nhiễm độc CO2 ở các lò than hay ngộ độc rượu cũng có thể giảm bớt nhờ uống trà đặc. Ngoài ra, chất tanin trong thứ đồ uống này còn có tác dụng làm se niêm mạc ruột, rất hiệu quả trong các trường hợp tiêu chảy cấp.

Nhâm nhi bên chén trà – giúp thấm đẫm tình thân

Từ lâu trong đời sống và văn hóa người Việt, trà là một thức uống tao nhã, tinh tế, biểu hiện mối quan hệ giao hòa giữa con người với thiên nhiên. Thưởng trà là một thú vui không chỉ của bậc tao nhân mặc khách mà còn là nhu cầu, sở thích của mọi người, mọi nhà. Nó trở thành tinh hoa, thành nghệ thuật ẩm thực Việt Nam.

Thưởng trà ngon là cái thú chơi tao nhã của người Việt

Với người Việt, chén trà là đầu câu chuyện. Dù đơn sơ hay cầu kỳ, dù loại cực phẩm hay chỉ là thức uống bình dân, chén trà vẫn mang trong mình ý nghĩa thanh cao, “là cầu nối giữa tấm lòng với tấm lòng”.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đỗ Văn Toàn, ông bà ta ngày xưa có câu “Khách đến nhà không trà thì rượu”. Cũng chính vì thế mà trong không gian đất trời tuyệt vời, khi khách đến nhà, có một thức uống quen thuộc được chủ nhà mang ra đãi khách không thể thiếu đó là trà. Uống trà, mời trà là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt ta.

Xưa, bao tri âm tri kỉ ngồi bên nhau nhâm nhi, đàm đạo cùng chén trà, ngắm hoa, thưởng nguyệt. Nay, trà có mặt nơi bạn bè hội họp, vài câu thăm hỏi sức khỏe, vài câu chuyện phiếm cũng góp phần làm cho tình cảm thêm thắm thiết, đậm đà, nồng ấm.

Trong những buổi sáng đầu xuân hay sau bữa cơm tối gia đình, mọi người trong nhà già có, trẻ có, ngồi quây quần bên ấm trà trò chuyện. Nhấp từng ngụm nhỏ, thật chậm rãi để cảm nhận trọn vẹn hương vị của chén trà nóng đang bốc khói, có vị chát nhẹ trên đầu lưỡi, rồi chuyển sang vị ngọt và đặc biệt là thơm đặc trưng của trà.

Còn theo chuyên gia trà Đoàn Hùng Sơn, cái thú thưởng trà như đã trở thành phong tục, thành cái nếp văn hóa của người Việt. Người dân Việt Nam coi việc uống trà cũng là một ứng xử văn hóa quan trọng và biểu hiện sự trân trọng, hiếu lễ và mến khách.

Văn hóa thưởng trà của người Việt là để giao hòa với trời đất, gần gũi hơn với thiên nhiên và để tìm lại con người thật của chính mình. “Âu, bên chén trà, cũng là cơ hội để người với người làm thấm đẫm tình thân bên nhau” – ông Toàn chia sẻ.

Vinatea (Tổng Công ty Chè Việt Nam – CTCP) thành lập từ năm 1958, sở hữu 4.700 ha đất trồng trà ở khắp các tỉnh phía Bắc với hàng chục nhà máy hiện đại ở các tỉnh Phú Thọ, Mộc Châu, Thái Nguyên, Yên Bái, Nghĩa Lộ, Liên Sơn, Hà Tĩnh và Hà Nội. Ngoài ra, đơn vị này còn có các công ty con và đơn vị liên kết. Công suất hiện nay đạt khoảng 6.000 tấn thành phẩm một năm và đang xuất khẩu đến nhiều thị trường từ châu Âu đến Trung Á.

Với ước mơ “phục hưng” trà Việt, với trách nhiệm của mình, thời gian qua, sau khi tiến hành cổ phần hóa, Vinatea đã đầu tư tổng lực về ngân sách, đội ngũ, công sức và chuyên môn cho cuộc tái thiết tất cả vùng nguyên liệu. Để có trà sạch thực sự, phải thay đổi từ cốt lõi là tư duy canh tác và phải tiến hành những cuộc cải tổ cụ thể từ làm sạch đất, cải thiện giống trà, thiết lập quy trình chuẩn mực về chăm sóc, thu hoạch trà, quy chuẩn về chế biến.

Vinatea hiện đang phân phối, cung cấp nhiều loại trà cho thị trường nội địa và xuất khẩu gồm: dòng trà thượng đỉnh (với 4 loại là bạch trà trăm năm, Sencha Nhật Bản, Shan tuyết cổ thụ, Ô Long thượng hạng); dòng trà phổ thông (với 3 loại là trà xanh Thái Nguyên; trà Hoa nhài; trà Anh quốc); dòng trà thảo mộc (3 loại, trà ngủ ngon, trà gừng, trà Hoa cúc mật ong).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.